Cách đọc báo cáo tài chính để quản lý đầu tư hiệu quả
Báo cáo tài chính cung cấp tình hình sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. Kĩ năng đọc báo cáo tài chính cực kì quan trọng để tìm ra cơ hội đầu tư có triển vọng, giảm thiểu rủi ro.
1. Tầm quan trọng của việc đọc báo cáo tài chính
Khi không biết đọc báo cáo tài chính, tất cả thông tin mà bạn có được về công ty là từ bảng giá chứng khoán và các tin tức trên truyền thông, truyền miệng, mạng xã hội. Đây nhiều khi là những thông tin gián tiếp, có khả năng sai lệch cao, và rốt cuộc là bạn cũng không nắm rõ tình hình hoạt động của công ty.
Học đọc báo cáo tài chính để có thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp, được kiểm định bởi kiểm toán viên độc lập, giúp bạn quyết định đầu tư dựa vào nguồn thông tin chính thống, có uy tín.
Ngay cả khi kết quả đầu tư không như kỳ vọng, bạn cũng hiểu được tại sao mình sai, từ từ tránh việc đầu tư cảm tính, không có bài bản, nhắm mắt làm liều.
2. Các thành phần chính trong báo cáo tài chính
Bộ báo cáo tài chính được công ty công bố trên trang web hàng năm, và ai cũng có thể tải xuống.
Bộ báo cáo tài chính bao gồm:
- Báo cáo của Ban giám đốc
- Báo cáo của công ty kiểm toán độc lập
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Thuyết minh báo cáo tài chính
Phần chính | Cho ta thấy |
Báo cáo của công ty kiểm toán độc lập | Tính trung thực của báo cáo tài chính |
Bảng cân đối kế toán | Tình hình tài chính của doanh nghiệp: tài sản, vốn, nợ, v…v… |
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh | Doanh thu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp |
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ | Dòng tiền mặt doanh nghiệp thực chất nhận được và đã chi tiêu từ hoạt động kinh doanh, đầu tư, tài chính |
Thuyết minh báo cáo tài chính | Ngành kinh doanh, thời gian và hình thức hoạt động, chính sách kế toán |
Đọc báo cáo tài chính khá là khó khăn cho người không chuyên. Bài viết này sẽ chỉ bạn những bước cơ bản để bắt đầu. Sau khi nắm vững các bước này, đừng quên tìm hiểu thêm để có đánh giá chính xác hơn nhé.
2.1. Báo cáo của công ty kiểm toán độc lập
Trách nhiệm của kiểm toán viên là kiểm định tính hợp lý và trung thực của báo cáo tài chính.
Đầu tiên, bạn nên đọc ý kiến của kiểm toán viên để hiểu các thông tin trong báo cáo có đáng tin cậy hay không.
4 mức độ về tính trung thực:
- Chấp nhận toàn phần
- Ngoại trừ
- Không chấp nhận
- Từ chối
Là người mới đầu tư, bạn chỉ nên đọc báo cáo tài chính nào được ‘chấp nhận toàn phần’, hoặc miễn cưỡng lắm là ‘ngoại trừ’. Nếu ý kiến của kiểm toán viên là ‘Từ chối”, thì bạn không nên đầu tư vào công ty này.
Mẹo đầu tiên: bạn chỉ nên quan tâm đến những biến động lớn về mặt giá trị, và những mục chiếm tỷ trọng lớn.
2.2. Bảng cân đối kế toán
Thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Đọc phần này để biết tài sản và vốn của doanh nghiệp đang tập trung ở mảng nào, đến từ nguồn nào.
Làm sao để biết? Nhờ đánh giá sự cân đối tài chính. Khi mất cân đối, doanh nghiệp có nguy cơ không đủ vốn để chạy dự án dài hạn.
Nhận diện sự mất cân đối tài chính bằng chỉ số vốn lưu động thuần:
Số vốn lưu động thuần = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Nếu số vốn này có xu hướng giảm dần và đặc biệt chuyển sang âm lớn, thì nguy cơ mất cân đối tài chính ngày càng cao.
2.3. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Phần này cho thấy tổng kết doanh thu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo.
Bao gồm:
- Hoạt động kinh doanh chính
- Hoạt động tài chính
- Hoạt động khác (chiếm tỷ lệ rất nhỏ)
Hoạt động kinh doanh chính
Đọc phần này để biết: doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, bạn cần tính biên lợi nhuận gộp như sau:
Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần về bán hàng, CCDV (giá vốn hàng bán)
Dấu hiệu tốt là khi chỉ số này được duy trì ổn định, ở mức cao trong dài hạn.
Hoạt động tài chính
Các con số trong phần này cho phép bạn tính các khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Lợi nhuận thuần = Lợi nhuận gộp + Doanh thu TC – Chi phí TC – Chi phí BH, QLDN
Với lợi nhuận thuần, bạn có thể tính được:
Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần + Lợi nhuận khác
Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế thu nhập doanh nghiệp
Nếu có chiến lược đầu tư để nhận cổ tức, bạn nên quan tâm đến lợi nhuận sau thuế, vì nếu doanh nghiệp có chỉ số này cao, thì khả năng phát cổ tức cho nhà đầu tư cũng cao hơn.
2.4. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Cho biết doanh nghiệp thực sự kiếm được bao nhiêu tiền và tiêu bao nhiêu tiền trong kỳ báo cáo, so sánh với kỳ trước. Hiểu đơn giản, báo cáo này cho bạn thấy dòng tiền ra và dòng tiền vào từ năm trước đến năm nay.
Dòng tiền vào là con số dương.
Dòng tiền ra là con số âm (nằm trong ngoặc đơn).
Dòng tiền kinh doanh
Phần báo cáo này có 3 mục chính. Trong đó, cần lưu ý nhất mục Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh. Nó thể hiện khả năng kiếm tiền thực tế của doanh nghiệp.
Cần so sánh con số của mục này trong nhiều kỳ báo cáo liên tiếp để thấy được xu hướng chính.
Xu hướng tốt: liên tiếp nhiều kỳ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn là con số dương, tức là vẫn có tiền đổ vào.
Dấu hiệu xấu: dòng tiền này liên tiếp mang dấu âm. Doanh nghiệp sẽ phải đi vay để bù đắp thiếu hụt.
Cổ tức, lợi nhuận đã trả
Trước hết, lưu ý là các doanh nghiệp trong thời kỳ tăng trưởng nhanh có thể không trả cổ tức, hoặc chi trả bằng cổ phiếu chứ không phải tiền.
Ngoài trường hợp này, khi kinh doanh có lãi, các doanh nghiệp cần có chính sách chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông (các nhà đầu tư như bạn).
Nếu doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền ổn định, đều đặn, thì đây là doanh nghiệp có dòng tiền lành mạnh, và lợi nhuận mà doanh nghiệp công bố là thực chất.
2.5. Thuyết minh báo cáo tài chính
Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết ngành nghề, hoạt động, và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, cùng các lý giải cho các phần trên.
Thuyết minh báo cáo tài chính nên được đọc song song với bảng cân đối kế toán và báo cáo kinh doanh để hiểu bối cảnh thực tế của các con số.
Từ đó bạn có thể đánh giá xem các chỉ số có hợp lý với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hay không.
Đọc phần này, bạn cần phải có kiến thức về ngành nghề và cách thức hoạt động của các doanh nghiệp cùng ngành. Vì thế mà bạn chỉ nên đầu tư vào ngành nghề mình có hiểu biết để tránh lầm tưởng.
Nguồn: Prudential
Đăng nhận xét