Chỉ số ROS là gì? ROS bao nhiêu là tốt?

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) giúp các công ty tập trung vào hiệu quả hoạt động và mức độ lợi nhuận hoạt động thu được từ doanh thu bán hàng và dịch vụ. Nhưng bạn sử dụng nó khi nào và làm thế nào để tính toán chỉ số ROS? Mối quan hệ giữa ROS, ROE và ROA là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết sau!

Chỉ số ROS là gì?

ROS (Return On Sales), hay còn được gọi là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Chỉ số ROS thể hiện một đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng cũng như cung cấp dịch vụ sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận (lợi nhuận sau thuế). Không những thế, ROS còn thể hiện hiệu quả quản lý kiểm soát chi phí của doanh nghiệp. ROS càng lớn càng thì chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động tốt, khả năng sinh lời cao.

Công thức tính ROS

Để tính ROS, chúng ta cần sử dụng hai số liệu có sẵn trên Bảng cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Income Statement) của công ty:
  • Doanh thu thuần (Net Sales): Đây là tổng doanh thu từ bán hàng và dịch vụ của công ty sau khi đã trừ đi các khoản giảm giá, chiết khấu và trả hàng.
  • Lợi nhuận sau thuế (EAT): là lợi nhuận ròng của công ty trong kỳ báo cáo tài chính sau khi đã trừ đi tất cả các khoản chi phí, bao gồm cả chi phí hoạt động, chi phí tài chính, và thuế thu nhập doanh nghiệp.

ROS = (Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu) x 100%

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) ở một kỳ nhất định (tháng, quý, năm) sẽ được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế trong kỳ chia cho doanh thu trong kỳ đó. Đơn vị tính là %.

Ví dụ: Giả sử Bảng cáo kết quả hoạt động kinh doanh của một công ty cho thấy Doanh thu thuần là 1.000.000đ và EAT  là 100.000đ.

Tính ROS:

ROS = 100.000đ / 1.000.000đ = 0.10 (hay 10%)

Điều này cho biết cứ mỗi 1 đồng doanh thu, công ty này tạo ra được 0.1 đồng lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh chính.

Ý nghĩa của chỉ số ROS

ROS chính là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá hiệu suất hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Và đặc biệt, ROS phản ảnh trực tiếp việc quản lý chi phí (quản lý doanh nghiệp, bán hàng) tạo ra doanh thu lớn nhất với chi phí tối thiểu nhất.

Doanh thu thuần luôn là số dương, chính vì vậy kết quả chỉ số ROS âm hay dương sẽ phụ thuộc chủ yếu vào kết quả của lợi nhuận sau thuế.

Chỉ số ROS mà âm thì doanh nghiệp đang kinh doanh trong tình trạng thua lỗ. Điều này chứng tỏ rằng các nhà quản lý đang không kiểm soát được chi phí cho hoạt động kinh doanh (chi phí đầu vào, chi phí quản lý doanh nghiệp, bán hàng…)

Chỉ số ROS mà dương cho thấy doanh nghiệp kinh doanh có lãi. ROS càng lớn thì thể hiện công ty đang hoạt động tốt.

Tuy nhiên, để đánh giá ROS còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đặc tính của từng ngành nghề, chỉ số trung bình ngành, chỉ số qua từng năm có phát triển không. Nếu mà chỉ số ROS của công ty lớn hơn chỉ số trung bình ngành thì chứng tỏ công ty đang hoat động tốt so với các tổ chức cùng ngành khác.

Đo lường chỉ số ROS giúp đánh giá chính xác hoạt động của doanh nghiệp


Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?

Không có con số cụ thể nào cho câu hỏi chỉ số ROS bao nhiêu tốt. ROS cần được đánh giá theo những cách sau:

  • So sánh với chỉ số trung bình ngành: Doanh nghiệp kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó sẽ có sự cạnh tranh với một số tổ chức khác. Chỉ số trung bình ngành định giá bình quân một ngành một cách cụ thể, làm cơ sở để so sánh tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong cùng ngành. Nếu ROS của công ty lớn hơn chỉ số trung bình ngành thì chứng tỏ công ty đang hoạt động tốt so với các tổ chức cùng ngành khác.
  • Kết hợp ROS với đánh giá chiến lược công ty đang áp dụng: Mặc dù ROS âm thì chứng tỏ việc làm ăn của doanh nghiệp thua lỗ, nhưng điều đó chưa chắc là mang lại ý nghĩa xấu. Tùy vào chiến lược của công ty mà cho ra kết quả kinh doanh tương ứng. Có thể kể đến một thương vụ nổi tiếng trên thị trường năm 2017 khi mà VNG đầu tư vào Tiki gần 400 tỷ đồng, một thời gian tiếp theo báo đài đã đưa tin Tiki lỗ hơn 200 tỷ đồng, nhưng sau đó Tiki được mua lại với giá cao gấp 4 lần so giá cổ phần hiện tại. Như vậy khoản đầu tư của VNG lời hơn 300% mặc dù là Tiki lỗ. Nếu như chiến lược công ty sử dụng là chiếm lĩnh thị phần thì ROS hoàn toàn có thể âm, còn chiến lược tối đa hóa lợi nhuận thì ROS có thể tăng đến giá trị cao nhất.
  • Trong trường hợp chỉ sử dụng mỗi ROS độc lập thì công ty vững mạnh khi ROS > 10%.
  • Thời gian hoạt động của doanh nghiệp: Thời gian một doanh nghiệp tồn tại và phát triển cũng phần nào phản ánh chính xác lợi nhuận trên doanh thu. Doanh nghiệp phát triển ổn định là lợi nhuận sau thuế có sự tăng trưởng bền vững. Chỉ số ROS trong từng năm, từng quý thể hiện chi tiết hơn về sự ổn định này, nếu không có gia tăng theo thời gian chứng tỏ tổ chức hoạt động không tốt. Xu hướng chỉ số ROS tăng ổn định từ 3-5 năm trong dài hạn.
  • Doanh nghiệp hoạt động theo chu kỳ hay có sự đột biến bất ngờ: Nếu theo đúng chu kỳ thì lợi nhuận tăng nhanh, hết chu kỳ thì giảm rất nhanh. Trong trường hợp này nên phân tích chỉ số ROS trong thời gian từ 3-7 năm mới hợp lý. Nếu doanh nghiệp có những khoản thu nhập thất thường đột biến thì không nên tính ROS bằng khoản doanh thu này.

Để phân tích doanh nghiệp, việc đánh giá các chỉ số tài chính như ROA, ROE, ROS… sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần hiểu rõ ý nghĩa và cách sử dụng ROS để có cái nhìn đúng đắn về doanh nghiệp mình quan tâm.

Trên đây là toàn bộ bài viết về chỉ số ROS và ý nghĩa của chỉ số này trong báo cáo tài chính. Chứng Khoán & Cổ Phiếu hy vọng nội dung hữu ích với công việc của bạn. Đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật những kiến thức mới nhất về chứng khoán nhé!

Theo: pinetree

Tags: Phân Tích Cơ Bản

Đăng nhận xét

Bài viết liên quan