Nếu chỉ tính 4 tháng trở lại đây, cổ phiếu đầu ngành thép này còn mất tới 22% thị giá, vốn hóa thị trường theo đó "bốc hơi" khoảng 45.700 tỷ đồng.
Giữa lúc chỉ số VN-Index giao dịch kém sắc, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vừa chứng kiến chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, qua đó lùi về 24.850 đồng/cp, mức thấp nhất trong vòng hơn 10 tháng (kể từ 1/11/2023).
Nếu chỉ tính 4 tháng trở lại đây, cổ phiếu đầu ngành thép này còn mất tới 22% thị giá. Vốn hóa thị trường theo đó "bốc hơi" khoảng 45.700 tỷ đồng (~1,86 tỷ USD) còn chưa đầy 159.000 tỷ đồng.
Tình trạng giảm giá mạnh gần đây của cổ phiếu HPG xuất hiện sau thông tin bất lợi là 2 công ty con của Hòa Phát bị Canada kết luận bán phá giá dây thép. Cụ thể, ngày 4/9, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) đã ban hành kết luận cuối cùng về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.
Theo đó, 2 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát là CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất và CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương có tên trong danh sách với biên độ bán phá giá lần lượt là 17,7% và 13,5%.
Hiện tại, Tòa án Thương mại Quốc tế Canada (CITT) đang tiến hành xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 4/10/2024.
Trước đó, vào ngày 8/3, CBSA đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam theo yêu cầu từ Ivaco Rolling Mills 2004 LP - nhà sản xuất thép cuộn cán nóng và phôi thép có trụ sở tại Ontario, Canada. Đến ngày 6/6, CBSA đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc.
Biên lợi nhuận gộp tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024
Dù vậy, Chứng khoán Vietcap (VCI) nhận định HPG vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt đà phục hồi sản lượng bán thép trong nước nửa cuối năm 2024. Trong 7 tháng đầu năm 2024, doanh số bán thép xây dựng của HPG đã tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng trưởng của ngành là 13%, và giúp nâng thị phần lên mức kỷ lục 37,9%. Mặc dù tăng trưởng doanh số thép cuộn cán nóng (HRC) trong 7 tháng đầu năm 2024 của HPG thấp hơn so với thép xây dựng, nhưng HRC vẫn đạt được mức tăng trưởng mạnh ở mức 17%.
Nhóm phân tích cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024 nhờ việc sản lượng bán và chênh lệch đầu vào-đầu ra tăng . Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu thấp từ Trung Quốc đã làm giảm giá thép, nhưng chi phí đầu vào lại giảm nhanh hơn so với giá đầu ra.
Vietcap giảm giả định về giá bán trung bình và biên lợi nhuận cho các sản phẩm thép của HPG nhưng kỳ vọng việc chi phí đầu vào thấp hơn (quặng sắt và than cốc) sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm lên mức cao hơn so với nửa đầu năm 2024.
Nhờ đó, CTCK này kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm 2024 sẽ tăng từ mức 13,4% ghi nhận trong nửa đầu năm lên 15,5%.
Theo Vietcap, việc xuất khẩu thép giá rẻ của Trung Quốc đang khiến giá bán của các sản phẩm định hướng xuất khẩu như HRC và tôn mạ giảm mạnh hơn. Từ đầu năm đến nay, giá HRC của Việt Nam đã giảm 19% (giống với mức giảm 19% của HRC Trung Quốc). Giá bán trung bình thép xây dựng của HPG, được bảo vệ bởi mức thuế 16,3%-21,3% đối với thép nhập khẩu, chỉ ghi nhận mức giảm 4% kể từ đầu năm đến nay, thấp hơn so với mức giảm 16% của thép thanh Trung Quốc.
Vietcap điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích Cổ đông thiểu số của Hòa Phát trong năm 2024 còn 12.315 tỷ đồng, tương ứng tăng 58% so với thực hiện 2023 và giảm 19% so với dự báo cũ (lãi 15.223 tỷ).
Về tiến độ Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, tính đến cuối quý 2/2024, HPG đã giải ngân 42.400 tỷ đồng trong tổng số 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho KLHDQ 2. Vietcap cho rằng dự án hiện đang đi đúng tiến độ để hoàn tất thi công vào cuối năm 2024 và đưa vào vận hành trong quý 1/2025. Giai đoạn 2 (lò cao thứ 2) dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025.
Theo: CafeF
Đăng nhận xét