Báo cáo phân tích doanh nghiệp TLG
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ
CTCP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và phân phối văn phòng phẩm tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần ngành bút viết. Hệ thống phân phối rộng lớn với hơn 55.000 điểm bán tại 34 tỉnh/thành và xuất khẩu đến 74 nước, TLG đang nỗ lực tối ưu hóa đa kênh bán hàng để tiếp tục mở rộng thị phần. Công ty cũng đang gia tăng sự hiện hiện diện trên trường quốc tế thông qua việc đẩy mạnh OEM/ODM và tăng tỷ trọng xuất khẩu.
• Động lực tăng trưởng thông qua mở rộng mạng lưới phân phối nội địa. Doanh thu nội địa của CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực nhờ mở rộng kênh bán lẻ thông qua thương vụ sáp nhập CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC), hoàn tất vào đầu tháng 6. Thương vụ này sẽ giúp TLG bổ sung khoảng 50 điểm bán tại các vị trí đắc địa ở những thành phố lớn. Ngoài ra, việc tích hợp hệ thống phân phối của PNC cũng tạo điều kiện cho TLG phân phối đa dạng sản phẩm hơn, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa và truyền thông – lĩnh vực mới mà TLG đang bước vào. Thương vụ này dự kiến đóng góp khoảng 380 tỷ đồng vào tổng doanh thu của TLG trong năm 2025.
• Đẩy mạnh khai thác tiềm năng của thị trường Đông Nam Á. Thị trường quốc tế tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng đối với TLG, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á – nơi thương hiệu FlexOffice đã đạt độ nhận diện cao. Trong năm 2024, doanh thu quốc tế đạt 1.012,4 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Công ty gần đây đã mở rộng sang Indonesia, thị trường lớn và còn nhiều dư địa phát triển. Với chiến lược "Glocalize" – bản địa hóa sản phẩm và thương hiệu để phủ hợp với từng thị trường mục tiêu – TLG được kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan tại thị trường Đông Nam Á kể từ quý 2/2025.
• Cơ hội gia tăng hiện diện tại thị trường Mỹ. Việc Newell Brands – cổ đông của Thiên Long (TLG) từ năm 2019 – đặt mục tiêu giảm nhập khẩu từ Trung Quốc xuống dưới 10% trong năm 2025 mang đến cơ hội để TLG mở rộng hiện diện tại thị trường Mỹ. Với năng lực sản xuất ổn định, quan hệ hợp tác sẵn có và kinh nghiệm OEM, đặc biệt qua thương hiệu FlexOffice, TLG có thể trở thành nguồn cung thay thế cho Newell tại Mỹ – thị trường chiếm khoảng 9% doanh thu. Dù vậy, rủi ro về chính sách thuế đối ứng và các yếu tố địa chính trị vẫn là thách thức cần theo dõi.
• Kết hợp linh hoạt trong hệ sinh thái sản phẩm đa dạng. Sau quá trình đầu tư vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp và củng cố thương hiệu, TLG đang sở hữu một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng gồm bút viết, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập và dụng cụ mỹ thuật. Việc kết hợp linh hoạt các nhóm hàng này trong các chương trình khuyến mại theo dạng combo không chỉ giúp tối ưu hiệu quả bán hàng mà còn kích thích tiêu dùng chéo giữa các dòng sản phẩm.
CẬP NHẬT VÀ ƯỚC TÍNH KQKD
Cập nhật KQKD Q1/2025.
- TLG ghi nhận doanh thu thuần đạt 794,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ, tương ứng hoàn thành 18% kế hoạch năm. Doanh thu nội địa đạt 510,9 tỷ đồng (+3,3% svck), cho thấy sự ổn định từ thị trường trong nước. Ngược lại, doanh thu quốc tế đạt 283,5 tỷ đồng (-9,7% svck), chủ yếu do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết bất lợi tại Đông Nam Á khiến sức mua suy yếu.
- Biên lợi nhuận gộp đạt 42,8%, cải thiện 30 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phi bán hàng tăng 5,4% đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, khiến biên lợi nhuận ròng giảm 1 điểm phần trăm xuống còn 9,9%.
- Quý 1 thường là giai đoạn có doanh thu thấp nhất trong năm do yếu tố mùa vụ. Doanh thu quý 2 được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể nhờ bước vào mùa cao điểm truyền thống của công ty.
Ước tính KQKD 2025.
- Doanh thu thuần hợp nhất của TLG trong năm 2025 được ước tính đạt 4.518,2 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi (1) sự ổn định trong hoạt động kinh doanh cốt lõi ở cả thị trường nội địa và quốc tế, và (2) đóng góp khoảng 380 tỷ đồng từ mảng sản phẩm văn hóa – lĩnh vực mới sau thương vụ sáp nhập PNC.
- Biên lợi nhuận gộp năm 2025 dự kiến giảm nhẹ 40 điểm cơ bản xuống 44,2% do hợp nhất với PNC – đơn vị có biên lợi nhuận thấp hơn, nhưng xu hướng này chỉ mang tính ngắn hạn. Chi phí đầu vào như nhựa HDPE và GPPS đang giảm từ giữa năm 2024 sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận trung hạn. Biên lợi nhuận ròng ước giảm còn 11,3% (so với 12,2% năm 2024), chủ yếu do chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh sau khi tích hợp vận hành VỚI PNC.
KHUYẾN NGHỊ
- Sử dụng phương pháp dòng tiền tự do cho doanh nghiệp (FCFF), với giả định chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC) ở mức 11,3%, giá trị hiện tại của vốn chủ sở hữu Thiên Long Group (TLG) được ước tính vào khoảng 5.468 tỷ đồng. Điều này tương ứng với giá trị hợp lý khoảng 63.200 đồng/cổ phiếu, dựa trên 86,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
- Rủi ro: (1) Xuất khẩu tăng trưởng chậm do nhu cầu tại Đông Nam Á phục hồi yếu; (2) Việc tích hợp PNC kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành ngắn hạn; (3) Biên lợi nhuận bị thu hẹp khi giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại.
Nguồn dữ liệu (Phòng PTNLĐT VPS)
---------------------------------
Tham gia đầu tư cùng VPS để nhận được sự hỗ trợ tận tâm từ các chuyên gia hàng đầu ngay hôm nay:💢 Mở tài khoản chứng khoán VPS với kho số đẹp
💢 Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán
💢 Fanpage Chứng Khoán & Cổ Phiếu
💢 Hotline/ Zalo: 0933-068-179