Dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 5,9%, giảm 0,1% điểm % so với dự báo trước đó, UOB vẫn cho rằng các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc và sẽ đạt tăng trưởng 6,6% trong năm 2025.
|
Ngân hàng UOB của Singapore |
Ngân hàng UOB của Singapore vừa đưa ra dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam sau tác động nặng nề của cơn bão số 3 (bão Yagi). Theo đó, dù đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II, tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm, nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm 2024.
Theo UOB, trước cơn bão, dữ liệu của Việt Nam cho đến tháng 8 vẫn cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã vượt trội hơn so với các nước lân cận trong khu vực ASEAN kể từ tháng 6. Sản lượng sản xuất ghi nhận 4 tháng liên tiếp tăng trưởng hai chữ số (so với cùng kỳ năm trước) từ tháng 5 đến tháng 8.
Xuất khẩu ghi nhận mức tăng hai chữ số (so với cùng kỳ năm trước) trong 7/8 tháng đầu năm, với thặng dư thương mại đạt 18,5 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu vượt hoặc ít nhất là bằng mức thặng dư thương mại kỷ lục 28,4 tỷ USD vào năm 2023.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phản ánh sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam với dòng vốn FDI đã đăng ký là 20,5 tỷ USD tính đến tháng 8 (cao hơn 7% so với mức 19,2 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2023), với gần 70% nằm trong lĩnh vực sản xuất.
Tuy vậy, bão Yagi, một siêu bão cấp 5, đã đổ bộ vào châu Á từ ngày 31/8 đến ngày 8/9. Tại Việt Nam, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơn bão đã ảnh hưởng đến 26 địa phương ở phía Bắc, chiếm khoảng 41% GDP của cả nước và 40% dân số của cả nước và gây thiệt hại trị giá 50 nghìn tỷ đồng (2 tỷ USD).
Ước cả năm, tăng trưởng GDP có thể giảm 0,15 điểm % so với kịch bản tăng trưởng kinh tế 6,8 - 7% đề ra trước đây. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35 điểm %, quý IV giảm 0,22 điểm % so với kịch bản không có bão số 3.
Các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc
Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, UOB đã điều chỉnh giảm này ở mức thấp hơn so với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, đối với quý III, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7% (giảm 0,3 điểm % so với mức 6,0% trước đó) và đối với quý IV là 5,2% (giảm 0,2 điểm %so với mức 5,4%). Cả năm, GDP bị hạ xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm % so với dự báo trước đó là 6%).
"Ảnh hưởng từ cơn bão Yagi sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III và đầu quý IV ở các vùng phía bắc của đất nước. Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ", UOB nêu rõ.
Tuy vậy, UOB cũng cho rằng, ngoài những gián đoạn tạm thời này, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc. Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 được điều chỉnh tăng 0,2% điểm phần trăm lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó.
Còn theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, con số 50 nghìn tỷ đồng chỉ là thiệt hại sơ bộ ban đầu. Lâu dài, tác động của bão Yagi sẽ còn ảnh hưởng trực tiếp đến cả ba trụ cột của nền kinh tế là nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.
Tuy vậy, ông Bình vẫn cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ vượt mục tiêu 6,5% đề ra, thậm chí còn tiệm cận đến mục tiêu 7% mà Chính phủ mong muốn nhờ sự của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở địa phương khác sẽ bù đắp thiệt hại do cơn bão gây ra.
"Chúng ta vẫn nhìn thấy xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng ở nhiều ngành hàng, đầu tư công được đẩy mạnh mẽ tại nhiều địa phương, và tiêu dùng của người dân được kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm", ông Bình nêu rõ.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, dưới tác động của bão Yagi, nhiều địa phương và doanh nghiệp bị lũ lụt, gây ách tác đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân và có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của kinh tế,
"Với thiệt hại do bão thì có thể làm giảm tăng trưởng GDP 2024 khoảng 0,18 – 0,2%. Và chúng ta phải có nỗ lực rất lớn để khắc phục hậu quả và tạo ra sự phát triển cho nền kinh tế thời gian tới", ông Thịnh nêu rõ.
Về phía Nhà nước, Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời nhanh chóng và phù hợp với các điều kiện thực tế từ đó giúp cho bộ ngành có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét khoảnh nợ, không đòi lãi và hạ lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bộ Tài chính cũng đã có công văn hướng dẫn thực hiện việc giãn hoãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và tính phạt với doanh nghiệp chậm nộp với các đối tượng này.
"Đây là điều quan trọng giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất kinh doanh", ông Thịnh nêu rõ.
Theo: VietnamBiz
Đăng nhận xét