Chính sách thuế quan mới của Mỹ và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

CÁC NGÀNH HÀNG HƯỞNG LỢI

  • Hàng may mặc & Dệt may: Áp lực đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ giảm khi mức thuế suất dành cho hàng hóa từ Việt Nam được duy trì ở mức cạnh tranh. Những đối thủ trực tiếp của Việt Nam như Trung Quốc và Bangladesh phải đối mặt với mức thuế lần lượt là 55% và 35% – cao hơn đáng kể so với mức 20% của Việt Nam. Trong khi đó, Ấn Độ hiện vẫn trong quá trình đàm phán, với mức thuế dự kiến dao động từ 10–15%. Trong bối cảnh khách hàng dễ dàng chuyển dịch đơn hàng giữa các quốc gia, mức thuế ưu đãi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam. Với các mức thuế cao hơn mới được áp dụng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc và Bangladesh dự kiến sẽ chậm lại trong những tháng tới. Ngược lại, Việt Nam và Ấn Độ – với lợi thế thuế quan – được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng ổn định.
  • Giày dép: Ngành da giày Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Mỹ. Mức thuế 20% tạo ra một khoảng cách an toàn so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Indonesia, vốn phải chịu mức thuế 32%. Các thương hiệu toàn cầu như Nike và Adidas, vốn đã coi Việt Nam là công xưởng sản xuất chính (Nike có tới 50% sản lượng giày dép từ Việt Nam), sẽ có thêm động lực để tăng cường sản lượng và đầu tư sâu hơn vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
  • Hàng gia dụng & Nội thất: Ngành gỗ và nội thất của Việt Nam cũng giành được lợi thế cạnh tranh tương đối so với đối thủ khu vực là Malaysia, quốc gia bị áp thuế 25%. Chênh lệch 5% không quá lớn nhưng trong một thị trường có quy mô khổng lồ và nhạy cảm với giá như Mỹ, có thể là yếu tố quyết định đối với các hợp đồng cung ứng lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc, một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ và nội thất lớn nhất tại thị trường Mỹ, đang đối mặt với các loại thuế; bao gồm thuế trừng phạt 30%, thuế nhập khẩu hiệu quả khoảng 20% cùng với thuế chống bán phá ở mức cao với một số sản phẩm từ gỗ, đang làm giảm vị thế cạnh tranh của Trung Quốc và khiến các doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi quốc gia này. Các thương hiệu lớn như IKEA, Ashley Furniture, và West Elm cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng từ các nhà máy tại Việt Nam.
  • Thuỷ sản: Ngành thủy sản Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ vào chính sách thuế quan thuận lợi. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trở nên rõ rệt khi so sánh với Trung Quốc về xuất khẩu cá thịt trắng. Việt Nam gần như độc quyền xuất khẩu cá tra với quy mô công nghiệp vào Mỹ và chỉ chịu mức thuế cơ bản 20% trong khi trong khi Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu cá rô phi cạnh tranh trực tiếp, đối mặt với tổng mức thuế bổ sung trung bình từ 45%. Đối với mảng tôm xuất khẩu, Việt Nam giành được lợi thế lớn khi Thái Lan, một đối thủ trong khu vực, phải chịu mức thuế lên tới 36%. Điều này mở ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh lại thị phần từ các đối thủ này.
  • Săm lốp: Ngành săm lốp Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ vào một cơ cấu thuế quan thuận lợi. Đơn cử, Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế cơ bản 30%, cộng thêm các loại thuế chống bán phá giá (CBPG) trung bình từ 22-27% và thuế chống trợ cấp khác dao động từ 20-100%. Tương tự, các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng chịu mức thuế 25% kèm theo thuế CBPG từ 14,72% đến 27,05%, làm giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt, lợi thế này càng được củng cố khi Mỹ dự định áp thuế thêm 36% lên hàng hóa từ Thái Lan - nhà xuất khẩu săm lốp hàng đầu vào Mỹ và đồng thời là đối thủ trực tiếp của Việt Nam. Mức thuế mới kết hợp với thuế CBPG cao từ cuối 2024 đã mở ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần mà Thái Lan cũng như các đối thủ khác để lại.
  • Công nghệ và thiết bị điện tử: Ngành công nghệ và điện tử đối mặt với một bức tranh phức tạp hơn. Một mặt, mức thuế 20% vẫn là một thách thức đối với các sản phẩm có biên lợi nhuận không cao. Mặt khác, so với mức thuế mà các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc hoặc một số quốc gia Đông Nam Á khác phải chịu, Việt Nam vẫn là một địa điểm lắp ráp cuối cùng cực kỳ hấp dẫn. Chính sách chống lẩn tránh thuế 40% có thể là rủi ro nhưng cũng có thể lại là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung, Intel, và Foxconn tăng cường tỷ lệ nội địa hóa và đầu tư sâu hơn vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam, thay vì chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp đơn giản. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện và cung cấp dịch vụ công nghệ.
Ảnh minh họa

RỦI RO

(1) Rủi ro từ việc thực thi quy định lẩn tránh thuế
• Sự mơ hồ trong định nghĩa "transshipment" và "substantial transformation" cùng với khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp thực thi nghiêm ngặt có thể làm xói mòn hoàn toàn lợi thế thuế quan 20% của Việt Nam.
• Các ngành và doanh nghiệp có chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc có thể đột ngột đối mặt với mức thuế 40%, gây ra những cú sốc nghiêm trọng về chi phí và đơn hàng

(2) Rủi ro cạnh tranh từ các quốc gia khác
• Lợi thế thuế quan của Việt Nam không bền vững khi các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đang tích cực đàm phán để có mức thuế cạnh tranh hơn với Mỹ. Nếu các nước này đạt được thỏa thuận thuế tương tự hoặc tốt hơn (ví dụ < 20%), vị thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng trên thị trường Mỹ.

(3) Rủi ro từ sự bất ổn của chính sách Mỹ
• Chính sách thương mại Mỹ có thể thay đổi nhanh chóng, đặc biệt dưới chính quyền bảo hộ.
• Thỏa thuận hiện tại chỉ là khung, có thể điều chỉnh lên hoặc xuống tùy theo quan hệ song phương.

THÔNG TIN SỰ KIỆN

Vào ngày 08 tháng 07 năm 2025, chính quyền mỹ đã công bố một loạt mức thuế mới, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 08 năm 2025.

• Theo nội dung được công bố, Tổng thống Trump thông bảo kế hoạch áp thuế cho 14 quốc gia không đạt được thỏa thuận song phương. Cụ thể, Mỹ sẽ áp thuế 40% lên hàng hóa từ Myanmar và Lào, 36% đối với hàng hóa từ Thái Lan và Campuchia, 35% đối với hàng từ Serbia và Bangladesh, 32% với Indonesia, 30% với Nam Phi, Bonsnia và Herzegovia, 25% đối với hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia.
• Trước đó, Mỹ và Việt Nam đã đạt được thoả thuận hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ phải chịu một mức thuế suất chung là 20%, thấp hơn so với các mức thuế mà nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam phải đối mặt.

Phản ứng của thị trường trong 08/07

• Ngành may mặc và săm lốp khởi sắc trong phiên với mức tăng lần lượt 1.44% và 1.03%, phản ánh sự cải thiện trong tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù điểm số cuối phiên thấp hơn đầu phiên, đà tăng trong suốt phiên cho thấy lực cầu được duy trì ổn định.
• Ngành thủy sản có mức tăng nhẹ +0.24%, với chỉ số đóng cửa đạt 845.71 điểm, thấp hơn mức mở cửa là 850.93 điểm. Mức dao động hẹp cho thấy sự giằng co giữa lực mua và bán, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
• Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói chung tiếp tục duy trì đà tăng nhờ tâm lý thị trưởng ổn định và dòng vốn ngoại tích cực.

* Các thông tin và dự báo trong bản báo cáo này, bao gồm cả các nhận định cá nhân, được đưa ra dựa trên các nguồn thông tin tin cậy, tuy nhiên VPS không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ của các nguồn thông tin này. Các nhận định trong bản báo cáo này được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết và cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, là hợp lý trong thời điểm đưa ra bão cáo.
* Cập nhật đến ngày 03/07/2025
** Mọi khuyến nghị chỉ có tính chất tham khảo, NĐT nên cẩn trọng suy xét và tự chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của bản thân.

Nguồn dữ liệu (Phòng PTNLĐT VPS)
---------------------------------
Tham gia đầu tư cùng VPS để nhận được sự hỗ trợ tận tâm từ các chuyên gia hàng đầu ngay hôm nay:
💢 Mở tài khoản chứng khoán VPS với kho số đẹp
💢 Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán
💢 Fanpage Chứng Khoán & Cổ Phiếu
💢 Hotline/ Zalo: 0933-068-179
Tags: Thị trường Việt Nam

Bài viết liên quan